SEWBOT – ROBOT MAY THAY THẾ CON NGƯỜI?
Đặc thù của ngành may là sản xuất hàng thời trang, với mẫu mã thay đổi liên tục nên việc áp dụng robot không thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu. Hiện nay, trên thế giới đã phát triển mô hình các nhà máy may sử dụng hoàn toàn robot may Sewbot. Các nhà máy này cho phép tăng năng suất từ 1,5 đến 2 lần, trong khi giảm từ 75% đến 90% số lao động. Tuy nhiên, Sewbot chỉ mới áp dụng cho sản xuất các sản phẩm gia dụng đơn giản, như gối, thảm, tấm lót đệm… Sản phẩm may mặc duy nhất sử dụng được Sewbot là áo phông (T-shirt). Chính vì vậy, những dự báo robot thay thế phần lớn lao động có thể diễn ra trong ngành sợi, dệt nhưng chưa thể xảy ra đối với ngành thời trang may mặc Việt Nam, với 95% số lao động.
Trong 78 công đoạn sản xuất quần áo, các thiết bị kỹ thuật số, tự động hóa được tập trung chủ yếu vào khoảng 8 công đoạn là các công đoạn lặp đi lặp lại, hoặc các công đoạn khó, phức tạp trước đây phụ thuộc vào tay nghề người thợ, như bổ túi, tra tay, tra cổ… để giảm sự phụ thuộc vào tay nghề công nhân và tăng sự đồng đều về chất lượng của các sản phẩm.
Công nghệ in 3D có thể thay thế công đoạn may, nhưng đến thời điểm hiện tại, in 3D chỉ thực hiện được trên chất liệu có nguồn gốc nhân tạo (nhựa), không in được trên các chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, như bông, len, đay. Trong khi bông và sợi tổng hợp (polyester) được sử dụng đến 95% trong sản xuất hàng thời trang trên thế giới.
Leave a Reply